FOUR PAWS
Phúc lợi động vật cần cả cộng đồng
Key Visual
Print Design
Illustration



 
Một câu chuyện nói mãi không ai nghe
Có một sự thật là dù gấu có được giải cứu khỏi điều kiện nuôi nhốt lấy mật sau hàng chục năm thì có những dư chấn mà động vật phải trải qua không thể cứu vãn được. Khi đó, câu chuyện cứu hộ động vật là một vấn đề, nhưng khó hơn là làm cho con người có thể thay đổi nhận thức và cách ứng xử để những thảm kịch với động vật và hệ sinh thái không còn xảy ra nữa.

Câu chuyện đấu tranh cho gấu được lựa chọn cuộc sống nói hoài nói mãi không ai nghe do có nhiều tình tiết đi ngược lại những niềm tin sai lệch đã ăn sâu bám rễ trong cộng đồng. Do vậy, RIO và FOUR PAWS phải tìm cách truyền tải thông điệp khác đi: Thiết kế hoạt động thực tế tạo kết nối cảm xúc sâu sắc.

Hợp tác với Cơ sở Bảo tồn Gấu Ninh Bình, một cơ sở đã cứu hộ và chăm sóc 49 cá thể gấu đen châu Á để thiết kế   gian hàng giáo dục bảo vệ gấu trong khuôn khổ sự kiện Hanoi Vegfest 2024, chúng tôi cho câu chuyện của gấu chạm đến trái tim mọi người. Song hành cùng giữ gìn vẻ đẹp đa dạng của sinh thái, gian hàng thành công truyền tải thông điệp sử dụng thảo dược thay thế mật gấu, gắn với tính chất của Ngày hội Thuần chay.
 
 
 
 
 
Một làng: Làng sinh thái hòa hợp

Trong văn hoá làng quê Việt Nam, “tình làng nghĩa xóm” là một giá trị quan trọng, nơi mỗi thành viên trong cộng đồng đóng góp vào sự thịnh vượng và hạnh phúc chung. Chúng tôi mở rộng và phát triển nét văn hoá tốt đẹp ấy thành concept “Một làng”, trong đó mỗi loài vật là người một làng, truyền đi thông điệp rằng động vật hoang dã, từ gấu đến hổ, và thậm chí cả các loài nuôi trong nhà như chó, mèo, là một phần không thể thiếu của “ngôi làng” sinh thái chúng ta cùng sinh sống. 
 
  • Bà Gấu, người dưỡng rừng khôn ngoan, giúp duy trì dòng chảy chất dinh dưỡng của hệ sinh thái làng.
  • Ông Hổ, trưởng làng mạnh mẽ, công bằng, dẫn dắt cộng đồng với sự khôn ngoan được truyền lại qua bao thế hệ.
  • Mẹ Voọc, nhanh nhẹn và sáng suốt, bảo vệ ngọn cây và luôn dõi mắt cảnh giác trước những hiểm nguy.
  • Bố Trâu, mạnh mẽ và kiên định, không ngừng làm việc trên những cánh đồng, dùng hết sức lực cày xới làm giàu đất mình.
  • Em Mèo, đầy năng lượng và tò mò, cùng người bạn đồng hành Anh Chó, trung thành và dũng cảm.
Ở Làng hòa hợp, mỗi sinh vật, dù lớn hay nhỏ, đều đóng góp vào việc giữ gìn sự cân bằng của thiên nhiên. Một cộng đồng “hoà vào làm một” là biểu tượng cho tinh thần bảo vệ phúc lợi động vật.



 
 
 
 
Nhân hoá động vật cần tính nhân văn

Chất liệu minh họa mang thiên hướng làng quê Việt Nam xưa với đường nét mộc mạc, truyền thống. Các loài động vật được nhân cách hoá sở hữu vai trò theo cấp bậc trong làng. Gấu và Hổ dày dạn kinh nghiệm sống làm trưởng lão, Voọc và Trâu đại diện cho dân làng, Mèo và Chó trẻ trung là hình ảnh của thế hệ mầm non tương lai. 

Ở làng, động vật không phải những sinh vật đơn thuần mà còn là những cá thể mang trong mình câu chuyện riêng. Nhưng thay vì khoác lên chúng những bộ quần áo đẹp mắt để trông gần gũi, “con người” hơn thì chúng tôi nhân cách hoá nhân vật qua biểu cảm khuôn mặt để truyền tải cảm xúc, tuổi tác, dáng vẻ và tính cách một cách sinh động. Vì động vật chỉ thật sự hạnh phúc khi được ở trong dạng hình nguyên bản, hoang dã ngoài tự nhiên. 
  
 
 
Đem câu chuyện cần được kể tới nhiều người, bằng nhiều cách

 
Để ngôi làng có ngày mai thì cần thiết có sự bắt tay bảo vệ làng ngay hôm nay của con người, vì phúc lợi động vật cần cả cộng đồng. Tuy vậy, làm sao để con người hoà hợp cùng muông thú là một thách thức vì nó phải “chiến đấu” với những niềm tin đã ăn sâu bám rễ trong cộng đồng. Do đó, thay vì giáo dục thông tin đơn thuần, chúng tôi nỗ lực biến hoá nhiều hình thái để mang thông điệp chạm tới thật nhiều khách đến hội chợ. Khi người chơi khám phá hết chuỗi không gian triển lãm cũng là lúc sứ mệnh của sự kiện được truyền tải một cách toàn diện.

  • Làm nóng không khí ở trò chơi “Lò cò tránh bẫy” để người chơi được “sống” trong tình huống bị săn bắt.

  • Tìm kiếm tăng hứng thú, truyền tải thông điệp qua tờ thông tin mô tả chi tiết. Người chơi phải đọc hết để trả lời câu hỏi và bước sang khu vực mới. 

  • Học tập qua trải nghiệm thực tế bằng việc cho người chơi tìm kiếm thảo mộc thay thế mật gấu ở Vườn Dược liệu, để họ cảm thấy mình có trách nhiệm bảo vệ gấu và thiên nhiên, thúc đẩy hành động sau khi sự kiện kết thúc.

  • Từ câu hỏi thông tin đến câu hỏi chạm trái tim: “Vậy vì sao, dù đã biết tác hại nhưng người ta vẫn sử dụng mật gấu”?

 
 
 
Nắm bắt điểm mạnh ở mảng merchandise của Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình, chúng tôi cải thiện hệ thống sản phẩm trưng bày thành những chiếc áo xinh, túi ngầu, quà xịn in thiết kế đẹp khiến mọi người nhìn thấy là muốn chơi để rinh được quà về nhà.

Tổng kết thành tích cuối ngày, gian hàng của Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình thu hút lượng khách ghé thăm ấn tượng, truyền thông trên nền tảng trực tuyến cũng thắng lớn khi fanpage tăng thêm hơn 5000 lượt theo dõi. Quà phát hết, thông điệp truyền tới tận tay, truyền thông bùng nổ, chúng tôi đã cùng FOUR PAWS hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sáng tạo vì phúc lợi động vật trong dự án này.
 
 
 
 
 
BẠN CẦN sáng tạo hình ảnh và ý tưởng truyền thông?